Bị thu hút bởi những hình ảnh đẹp đẽ trên các nền tảng mạng xã hội, có ấn tượng siêu mạnh với nghề Thiết kế đồ họa và muốn trải nghiệm học tập, hay trở thành một nhân tố nổi bật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, “Bắt đầu từ đâu?” là câu hỏi chúng ta sẽ tự vấn bản thân ngay sau khi có ý định. Bài viết này, mình sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó, đưa ra định hướng phù hợp, loại bỏ những rủi ro có thể gặp.
Để biết bắt đầu học thiết kế đồ họa từ đâu dễ dàng hơn, chúng mình hãy cùng hình dung việc “Học thiết kế đồ họa” như một thế giới cần ta khám phá.
Nào, cùng mình nghĩ đến một thế giới hình quả cầu, giống như Trái Đất, ẩn đằng sau là cả một bầu trời đầy thú vị. Tò mò không? Bạn muốn khám phá thế giới đó! Dưới đây là 3 giai đoạn giúp bạn biết bắt đầu học thiết kế đồ họa từ đâu ^^! Mình viết rất chi tiết nên cố gắng đọc hết nha.
Giai đoạn 1: Hiểu rõ bản thân thích thiết kế đồ họa hay không!
📍 Việc đầu tiên cần làm là: Tự vấn bản thân.
Thiết kế đồ họa rất vất vả, đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, bạn cần làm rõ với bản thân một vài điều sau:
1. Bạn có thích thiết kế đồ họa không?
Hãy tự trả lời “Bạn có thực sự thích ngành thiết kế đồ họa không?” trước khi quyết định bắt đầu học thiết kế đồ họa và theo đuổi ngành này. Quay lại thời điểm trước khi bắt tay gõ từ khóa “Bắt đầu học thiết kế đồ họa từ đâu?” trên Google, hãy lục lại một số lý do khiến bạn mê mẩn theo đuổi ngành này đến thế.
Lý do có phải là:
* Niềm yêu thích nhất thời, hay một quyết định ngay sau khi bị ấn tượng bởi hình ảnh quảng cáo nào đó trên Tivi, internet. Nếu chỉ như vậy, bạn nên cho mình thêm thời gian, không nên quá nóng vội vì sẽ nhanh chán đó.
* Ngược lại, nếu đã xác định 100% yêu thích ngành này, bởi một nguyên nhân nào đó hay đơn giản vẽ vời, sáng tạo là đam mê thì chuẩn bị tinh thần tìm câu trả lời cho câu hỏi ngay dưới đây.
* Nếu bạn muốn học thiết kế đồ họa để phục vụ cho sự nghiệp học hành, làm CV, porfolio, marketing, kinh doanh của bạn thì bài viết này cũng dành cho bạn đó, hãy đọc hết nhé.
2. Bạn đã thực sự muốn bắt đầu học thiết kế đồ họa chưa?
Làm thế nào để biết được bạn đã sẵn sàng, đã thực sự muốn bắt đầu tìm hiểu ngành thiết kế đồ họa và trở thành một “Họa nô” trong tương lai? Mình có một số câu hỏi giúp bạn giải đáp thắc mắc này:
* Bạn có khao khát tự làm một sản phẩm (Hình in trên áo của lớp, hình ảnh thể hiện cảm xúc…) của thiết kế đồ họa chứ? =>> Hãy trả lời “Có” hoặc “Không”!
* Bạn tự thấy mình có tính tò mò, muốn tìm hiểu nhiều điều? =>> Hãy trả lời “Có” hoặc “Không”!
* Bạn tự thấy mình có tính kiên trì, thích tìm ra nhiều ý tưởng mới lạ? =>> Hãy trả lời “Có” hoặc “Không”!
* Bạn có chịu được áp lực cao như thời hạn thiết kế, tính tỉ mỉ … ? =>> Hãy trả lời “Có” hoặc “Không”!
Nếu chỉ 1/4 “Có” thì bạn hãy quay lại tìm lời giải đáp cho câu 1. “Bạn có thích thiết kế đồ họa không?
Còn ít nhất 2/4 “Có” thì tiếp tục tự hỏi thêm câu sau để bắt đầu con đường họa thiết kế đồ họa nhé.
3. Không biết vẽ hoặc không biết thế nào là “đẹp”/ “xấu”, học thiết kế đồ họa có được không?
“Không biết thì mới phải đi học” – Đây là câu trả lời của mình dành cho bạn. Thành thật, biết vẽ là một lợi thế, giúp bạn thể hiện hết tất cả những suy nghĩ, ý tưởng trong đầu lên trang giấy. Không biết vẽ sẽ hạn chế điều này, giống như một người không thể nói ra được vậy. Nhưng, không phải là đường cùng nếu như không biết vẽ, vẽ hoàn toàn có thể học được. Vẽ đủ đạt để giúp thiết kế hoàn thiện hơn. Gu thẩm mỹ cũng vậy, cũng cần thời gian để luyện tập, để biết “xấu thế nào, đẹp ra sao”.
Cần cù bù thông minh, năng khiếu vẽ không phải là yếu tô duy nhất giúp bạn học được thiết kế đồ họa và thành công trong ngành công nghiệp sáng tạo này.
Giai đoạn 2: Bắt tay tìm kiếm thông tin cơ bản về thiết kế đồ họa ngay và luôn!
📍 Việc cần làm là: Tìm hiểu định nghĩa của thiết kế đồ họa.
Để tiếp tục những bước bắt đầu học thiết kế đồ họa, bạn cần biết “Thiết kế đồ họa là gì?” Không có định nghĩa cụ thể của thiết kế đồ họa, nhưng mình sẽ giúp bạn hiểu rõ ràng nhất dưới đây. Nhận thấy “Thiết kế đồ họa – Graphic design” có 02 yếu tố: “Thiết kế – Design” và “Đồ họa – Graphic”. Như vậy, mình sẽ tách ra 02 phần để giải thích.
1a. Đồ họa – Graphic là những hình ảnh mắt nhìn thấy được (Visual trong tiếng Anh)
Đồ họa là một “Ngôn ngữ hình ảnh”, có nhiệm vụ mang và truyền đạt thông tin tới người xem, được tạo thành bởi các yếu tố: Hình ảnh, sản phẩm mỹ thuật, sản phẩm sáng tạo, phong cách và phương pháp thể hiện.
“Nếu như ca sĩ, nhạc sĩ giao tiếp với khán giả bằng giai điệu và lời bài hát, thì họa sĩ hay nhà thiết kế gửi gắm thông điệp qua ngôn ngữ hình ảnh là sản phẩm sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật, tranh vẽ, nét vẽ, hiệu ứng, màu sắc…”
2a. Thiết kế – Design là hành động quyết định ý tưởng trong đầu thành hiện thực.
Thiết kế là hành động tạo ra một bản vẽ hoặc quy ước nhằm tạo dựng đối tượng, một hệ thống hoặc một tương tác giữa người với người có thể đo lường được (các bản vẽ chi tiết kiến trúc, bản vẽ kỹ thuật, quy trình kinh doanh…) (Theo Wikipedia)
⛔ THIẾT KẾ LẠC LỐI: Người hướng dẫn, thầy, cô giáo đưa một đề tài thiết kế; bạn nên dừng việc theo dõi và học hỏi họ, nếu họ yêu cầu bạn làm ngay và không dạy bạn cách nghiên cứu, tìm kiếm thông tin. Họ có thể ném cho bạn cả tá các trang tải free file thiết kế về để dùng ngay và luôn; họ có thể chỉ tay bạn làm theo ý họ; họ cũng có thể đang đưa bạn vào con đường thiết kế lạc lối. Trên con đường này, bạn sẽ bị lệ thuộc vào các trang tải file sẵn có, lệ thuộc vào người chỉ dẫn, thiếu hiểu biết dẫn đến thiếu ý tưởng, sản phẩm cuối cùng của bạn sẽ may ra chỉ đẹp mà không có hồn. Mình muốn dùng lời lẽ thẳng thắn để chia sẻ với bạn điều này như một lời cảnh báo. ⛔
Thực hiện nghiêm ngặt các giai đoạn trên sẽ giúp bạn không bị bí ý tưởng, thành công và có nhiều sản phẩm bứt phá hơn đó. ^^!
3a. Thiết kế đồ họa là gì?
Từ phân tích phần 1a và 2a thì thiết kế đồ họa là hoạt động nghiên cứu, cải tiến, phát hiện ý tưởng, làm ra một sản phẩm là hình ảnh, hình vẽ, chữ … có chức năng truyền đạt thông tin, xúc cảm.
📍 Việc thứ 2 cần làm là: Tìm hiểu công việc sẽ làm sau khi học xong thiết kế đồ họa
Học thiết kế đồ họa chỉ thiết kế các banner trên internet! Chia buồn với bạn, bạn đã bị đánh lừa rồi đó. Học thiết kế đồ họa không chỉ làm mỗi việc đó đâu. Bạn sẽ bị ngộp thở trước rất rất nhiều ngã rẽ chuyên ngành. Để hạn chế điều này, hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin mình đưa ra dưới đây để lựa chọn đúng mong muốn và mục tiêu nghề nghiệp.
1b. Học thiết kế đồ họa sẽ làm nhiều việc (chuyên ngành) khác nhau
- Thiết kế truyền thông thị giác – Visual communication Design
- Thiết kế nhận diện thương hiệu
- Thiết kế bao bì
- Thiết kế 2D phục vụ cho in ấn: brochure, cataloge, namecard, …
- Sản xuất video đơn giản (Telling a story, stopmotion…)
- Sản xuất video animation
- Thiết kế nhân vật 2D
- Thiết kế storyboard
- Làm chuyển động cho nhân vật, video (hoạt hình hoặc video quảng cáo cho một thương hiệu nào đó)
- Thiết kế giao diện website (UI)
- Thiết kế landing page
- Giao diện của một website thương mại điện tử
- Templates bán sẵn
- Vẽ minh họa
- Minh họa bìa sách, truyện
- Minh họa nội dung sách (Tiếng Anh, Toán…)
- Minh họa sách tranh thiếu nhi
- Minh họa hình ảnh cho sản phẩm kinh doanh
- …vvv
- Sản xuất Game
- Thiết kế nhân vật 2D
- Thiết kế chi tiết game (Vẽ digital, giả 3D…)
- Dựng 3D cho nhân vật, phối cảnh game
- Sản xuất video
- Minh họa các phân cảnh cho video
- …vvv
Trên đây là một số chuyên ngành cụ thể, bạn nên giành thời gian copy từ khóa mình đưa và tìm kiếm chúng là gì, bạn có thích chuyên ngành đó không, nếu thích thì tiếp tục tìm hiểu chúng chuyên sâu hơn. Với một người bắt đầu học thiết kế đồ họa, mình ủng hộ bạn tìm hiểu hết tất cả, thu nạp cho bản thân cái nhìn tổng quan, sau đó đưa ra lựa chọn.
📍 Việc thứ 3 cần làm là: Tìm hiểu hình thức làm việc của một nhà thiết kế đồ họa (Họa nô)
Chào mừng bạn đã đặt miếng mông đầu tiên vào con đường “Họa nô” đầy khổ ải, “ít” mọc rễ, đau lưng và bào não ăn tiền. Đùa chút cho vui thôi. ^^! Được làm việc và kiếm tiền từ sở thích là một hạnh phúc lớn lắm luôn. Môi trường, dự án khó đến mấy cũng không gây mệt mỏi quá nhiều. Có 03 hình thức làm việc cho các “Họa nô” như sau: Làm nhân viên phòng marketing, làm nhân viên thiết kế cho 1 công ty thiết kế, quảng cáo và làm freelancer.
1c. Làm trong môi trường in-house
Bạn sẽ là một nhân viên thiết kế đồ họa, làm việc cùng team marketing của một doanh nghiệp duy nhất, phụ trách lên ý tưởng cho hình ảnh cho các chương trình ưu đãi (banner, poster, card, thiệp, video…). Làm việc ở vị trí này bạn cần trang bị đầy đủ tất cả các kỹ năng liên quan như: Quay video, chụp ảnh hoạt động, chụp ảnh sản phẩm, lên concept chụp ảnh cho sản phẩm, người, đối tượng hay dịch vụ, chỉnh sửa hình ảnh, dựng clip, thiết kế website…
Công việc này có lợi ích là thu nhập ổn định (Lương từ 8 – 15 triệu/ tháng). Hạn chế là không giúp bạn phát triển đúng chuyên ngành vì yêu cầu sáng tạo không cao và không được giao tiếp, trao đổi kiến thức thường xuyên với các Designer khác.
2c. Làm trong môi trường agency
Bạn sẽ là một nhà thiết kế đồ họa, làm việc cho một team thiết kế “hoành tráng”, đồng hành cùng các doanh nghiệp qua các dự án như: Thiết kế lịch, bao bì, nhận diện thương hiệu, logo, … Mức thu nhập cũng khá ổn (Khởi điểm là 8 triệu/ tháng – tăng theo số lượng dự án bạn tham gia, có thể lên đến >20 triệu)
3c. Freelancer
Làm thiết kế đồ họa Freelancer bạn sẽ không cần đến văn phòng, có thể làm việc ở mọi nơi, chỉ cần có internet và laptop. Thi vị phải không nào! ^^
Tuy nhiên, ở vị trí này, bạn sẽ tự nhận dự án, tự quản lý dự án, thiết kế, sản xuất, dòng tiền ra, vào. Khá vất vả, nhưng thu nhập cao, trách nhiệm cao. Điểm yếu của Freelancer cũng chính là tốn nhiều thời gian cho bản thân và bạn bè xung quanh.
Giai đoạn 3: Bắt đầu tìm kiếm kiến thức cơ bản về thiết kế đồ họa!
Bạn muốn biết bạn là ai? Bạn muốn biết bạn sẽ làm gì? Đừng hỏi nữa. Hãy hành động!
Cảm ơn bạn đã đi một quãng đường dài qua 02 giai đoạn chính mình đã viết, đến đây mình sẽ gợi ý 3 thứ vũ khí, giúp bạn trở thành một nhà thiết kế đồ họa.
📍 Vũ khí 1: Thành thạo công cụ thiết kế
Tất nhiên, sử dụng thành thạo máy tính là điều cơ bản đầu tiên. Tiếp theo, để trở thành nhà thiết kế đồ họa bạn nên luyện tập nhuần nhuyễn các phần mềm thiết kế sau:
- Adobe Photoshop
- Adobe Illustrator
- Indesign
- Blender
- After effect
- Premiere Pro
- Figma
- …
1d. Nên học Photoshop đầu tiên?
Bạn nên học Photoshop đầu tiên, với mục tiêu chỉ là thành thạo phần mềm này. Đừng nghĩ quá xa vời, hay mục tiêu ngoài tầm với như là bạn phải làm điều gì đó rất khủng. Hãy bắt tay ngay bằng việc này: Cài Photoshop, làm quen với các công cụ của photoshop, học cách dùng chúng, luyện tập cắt ảnh, vẽ lại các hình tải trên mạng bằng pentool.
Photoshop phục vụ chung cho phần lớn các chuyên ngành bạn sẽ làm sau này. Vì thế, khi làm quen Photoshop xong, bạn sẽ tìm ra rất nhiều keywords để tìm kiếm thông tin và trở thành nhà thiết kế đồ họa.
2d. Quay lại mục 1b Giai đoạn 2 => Chọn chuyên ngành => Chọn công cụ cần học
Mỗi công cụ thiết kế sẽ hỗ trợ cho một chuyên ngành riêng, bạn nên lựa chọn chuyên ngành sẽ theo đuổi để lựa chọn công cụ phụ hợp. Nhớ là không nên học quá nhiều phần mềm không cần thiết cho chuyên ngành của bạn.
- Thiết kế truyền thông thị giác
- Adobe Photoshop
- Adobe Illustrator
- Indesign
- Premiere Pro
- Sản xuất video animation
- Adobe Illustrator
- After effect
- …vvv
Nhắc lại, hãy lựa chọn đúng để không mất thời gian học lòng vòng, không kết quả.
3d. Cách học các phần mềm này là: …
Tự học trên youtube hoặc tham gia các khóa học, tìm người dạy trực tiếp. Bạn chỉ cần gõ công cụ cần học trên thanh tìm kiếm, Google sẽ cho bạn rất nhiều cách tự học hoặc các khóa học phù hợp. Thời đại 4.0 “trên mạng cái gì cũng có”!
⛔ NHÀ THIẾT KẾ LẠC LỐI: Thành thạo công cụ thiết kế không có nghĩa là bạn đã trở thành nhà thiết kế. Bạn còn thiếu vài thứ vũ khí nữa cơ, nên từ từ và tránh mắc ảo tưởng nhé. ^^!
📍 Vũ khí tối tân: Tư duy thiết kế
Tư duy thiết kế là gia tài kiến thức bạn thu thập được trong nhiều năm, giống như: “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.” Bạn cần biết tuốt! Vì thế, để có được một tư duy thiết kế khủng bạn không thể chỉ học trong vòng 1, 2 ngày hay thời gian ngắn. Bạn cần tích lũy bằng cách tìm kiếm thông tin, đọc và trau dồi liên tục từng ngày.
Hãy bắt đầu với việc tìm hiểu: Nguyên lý thị giác – nền tảng tư duy thiết kế
Trang bị cho bản thân đầy đủ kiến thức nền tảng tư duy thiết kế như là: lịch sử mỹ thuật, nguyên lý thị giác, trường phái hội họa, lịch sử đồ họa, phong cách thể hiện… giúp bạn thu thập một thư viện ý tưởng về cách thể hiện cho thiết kế của bạn sau này. Kiến thức này bước đầu giúp bạn hiểu “Xấu thế nào? Đẹp ra sao!’ hoặc Làm sao để làm đẹp? Ngoài ra, nền tảng tư duy thiết kế sẽ theo xuyên suốt cuộc đời của một “Họa nô” nên hãy tìm hiểu và học thật kỹ nhé!
Ngoài ra thì …
☕ TIẾNG ANH QUAN TRỌNG LẮM LẮM!!!
Tài liệu thiết kế đồ họa chất lượng hầu hết là tiếng Anh. Để thuận lợi và có lợi thế trong ngành bạn hãy cố gắng học tiếng Anh, có khả năng đọc hiểu tài liệu. Ngoài ra, nếu làm Freelancer, bạn có thể sẽ làm việc với các khách hàng Quốc tế, nếu không có tiếng Anh (hoặc tiếng khác) bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm đồng Trump hoặc các loại đồng khác. :’D
📍 Vũ khí 3: Người dẫn đường
“Tôi có thể nhìn xa trông rộng hơn người khác, là vì tôi đứng trên vai người khổng lồ” – Isaac Newton
Người dẫn đường sẽ giúp bạn không bị mớ kiến thức hỗn loạn trên internet dắt mũi, làm bạn ngộp thở. Người dẫn đường sẽ giúp bạn trở thành nhà thiết kế đồ họa đúng đường hơn, nhanh hơn, chính xác hơn. Có 3 kiểu người dẫn đường cho bạn:
1e. Trường/ khóa đào tạo thiết kế đồ họa hoặc bản thân bạn
Dựa theo nhu cầu và khả năng kinh tế, bạn xác định và lựa chọn trường hoặc khóa đào tạo thiết kế đồ họa. Nếu có kinh tế và mục tiêu trở thành nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, bạn nên chọn trường hoặc khóa học để có môi trường luyện tập tốt.
2e. Nhà thiết kế yêu thích, công ty thiết kế nổi bật => Theo dõi hoặc xin trao đổi!
Hãy ưu tiên theo dõi những đối tượng nổi bật của ngành bạn định theo đuổi, vì họ sẽ có những kiến thức hữu ích, những dự án hay ho để bạn học hỏi và sưu tầm kiến thức. Theo dõi nhà thiết kế yêu thích giúp bạn được ngắm và mở rộng tầm mắt với các sản phẩm sáng tạo mà họ chia sẻ hàng ngày.
⛔ Đừng ngại trao đổi! Thay vì chạy lòng vòng trên Google hay chủ động nhắn tin hỏi những kiến thức bạn tìm thấy mà chưa hiểu, trao đổi giúp bạn mở mang “bờ cõi” cho thư viện kiến thức của mình. Ngoài ra, chính những người dẫn đường này, tương lai họ có thể trở thành tiềm năng “đẩy” việc cho bạn. Từ đó dần dần, bạn sẽ mở rộng được mạng lưới những nhà thiết kế đồ họa, sau đó trở thành “gã khổng lồ” cho những newbie khác ngồi lên vai ^^!
Kết luận
Mình đã giúp bạn giải thích câu hỏi “Bắt đầu học thiết kế đồ họa từ đâu?” rồi nhé. Hy vọng 3 giai đoạn chính cho người bắt đầu học thiết kế đồ họa của mình hữu ích với các bạn. Những vũ khí mình đưa ra và những lưu ý của mình giúp bạn đi đúng hướng hơn, không bị ngụp lặn trước rất nhiều “còn ten” chim mồi trên internet.
Nếu bài viết mình có “tích sự”, hay theo dõi website: phuongwanh.com để cập nhật thêm thông tin và trải nghiệm hành trình thiết kế đồ họa của mình nhé.
Đọc thêm:
Review nghệ sĩ – nhà thiết kế đồ họa yêu thích – Rara Kuastra
Luyện tập thiết kế đồ họa bằng cách thiết kế lại nhãn chai nước Tazo
Lịch sử hình thành và phát triển LOGO FACEBOOK 2004 – hiện tại